Kỹ năng tổ chức lửa trại –

          Lửa trại là hình thức sinh hoạt hấp dẫn của các bạn trẻ hay là các thành viên trong 1 tổ chức, một đơn vị hay một nhóm bạn… Đây là hình thức hoạt động lồng ghép trong một chương trình Hội trại, một cuộc cắm trại dã ngoại, một chương trình picnic hay một buổi sinh hoạt giao lưu, dạ hội…

          Trong một cuộc cắm trại, sẽ không trọn vẹn nếu thiếu lửa trại. Lửa trại không phải là một buổi trình diễn văn nghệ cho trại sinh có dịp giải trí sau một ngày hoạt động, hay để giúp vui cho dân chúng trong vùng, hoặc để phô diễn tài nghệ cá nhân… mà chúng ta phải lưu ý đến tính chất giáo dục và mục đích rèn luyện của lửa trại. Lửa trại không dành cho các tài tử hay diễn viên chuyên nghiệp mà dùng cho các trại sinh. Ở đây, họ được giao lưu kết bạn, xây dựng tình đồng đội, thân hữu… được cùng vui chơi, ca hát, nhảy múa, đóng kịch… giúp các em phát triển năng khiếu nghệ thuật, lòng tự tin, mạnh dạn, óc quan sát, trí tưởng tượng… Ngoài ra, lửa trại còn để lại trong tâm hồn trại sinh những dấu ấn sâu sắc, khó quên, nhất là những buổi lửa tĩnh tâm, lửa dặm đường.

          Ngày nay, tuy những tiện nghi văn minh đã có nhiều nhưng mỗi khi trở về sống giữa thiên nhiên và chiều xuống, khi bóng tối tan dần, dường như tất cả mọi người đều chờ đón ánh lửa với biết bao điều kỳ diệu của nó. Vì vậy lửa trại đã trở thành một sinh hoạt không thể thiếu trong những lần đi cắm trại hay hội trại. Bạn sẽ thực sự cảm thấy ấm lòng khi nhìn ánh lửa trại thật lớn đang bập bùng.

 MỤC ĐÍCH LỬA TRẠI

          Hoạt động lửa trại nhằm tới việc giáo dục và huấn luyện ngay trong lúc vô tư vui chơi và nghỉ ngơi thư giãn. Nó chẳng những tạo sự giao hòa giữa con người và vạn vật, mà còn là dịp nhằm làm phát triển trí tưởng tượng, óc quan sát, năng khiếu nghệ thuật, khả năng giao tiếp, ứng xử…

          Bên ánh lửa bập bùng kỳ ảo của đêm lửa trại, tất cả mọi người, từ người năng động đa năng hay người quen sống khép kín, còn mặc cảm kém tài, đều có thể hòa nhập với nhau trong những trò chơi nhỏ lý thú, hát những bài ca sinh hoạt, hoặc trình diễn những tiết mục văn nghệ bỏ túi đôi khi hết sức buồn cười nhưng lại thấm thía sâu xa…

          Thật là sung sướng sau mỗi ngày hoạt động hoặc họp bạn vui chơi hết mình, giờ đây, cá nhân mỗi người cũng như cả tập thể đội, nhóm được cười đùa ca hát thoải mái.

          Còn gì hơn quanh đống lửa trại được nghe những mẩu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc, những truyền thống tự hào của quê hương, đoàn thể và của đội nhóm mình thông qua lời kể rưng rưng cảm động của những người đi trước.

          Cũng có khi nhân bầu khí khoáng đạt bên đống lửa, anh em có thể đóng góp thẳng thắn cho nhau trong tinh thần yêu thương và cảm thông, qua những vở hài kịch châm biếm dí dỏm.

          Như vậy, những đêm lửa trại vừa giúp phát triển các khả năng tự nhiên, lại vừa gợi mở và nuôi dưỡng một cách âm thầm một chiều sâu nhân bản trong lòng tất cả mọi người.

          Tùy từng lứa tuổi, các đêm lửa trại được tổ chức với nhiều hình thức khác nhau, đáp ứng nhu cầu tinh thần và thích hợp với điều kiện tâm sinh lý của từng đối tượng.

NGUYÊN TẮC CĂN BẢN CỦA LỬA TRẠI

          Lửa trại vốn là tổng hợp của 3 yếu tố: 

          – Lửa – khung cảnh – con người, cũng là mang ý nghĩ giáo dục theo tinh thần nguyên thủy: Văn minh – thiên nhiên – chiến thắng – ấm cúng – tâm sự – nghỉ ngơi (tránh các hoạt động phi văn hóa, phản giáo dục).

          – Lửa trại cần tránh nơi đông đúc, ồn ào để mọi thành viên có thể tự do bộc lộ khả năng, ý kiến…

          – Lửa trại phải tổ chức cho các thành viên đều được tham gia, tránh sự thụ động chỉ ngồi xem, hưởng thụ.

          – Lửa trại có những nguyên tắc thực hành để đảm bảo được ý nghĩa: diễn tả được những tình cảm, công việc của những người cùng quây quần xung quanh đống lửa.
          – Lửa trại không phải là sân khấu văn nghệ mà là cuộc hội họp, gặp gỡ, trao đổi quanh lửa của các bạn bè vào buổi tối. (Ngoại trừ trường hợp tổ chức Lửa trại nghệ thuật).
          – Nên tập trung tới lửa trại toàn bộ những người chung sống ở đất trại, trong cùng đội nhóm, nếu không lửa trại sẽ mất đi ý nghĩa của nó, hoặc biến thành một cuộc biểu diễn văn nghệ đơn thuần.

          – Tôn trọng tinh thần của khung cảnh. Đừng làm điều gì không ăn nhịp với cảnh sắc tinh thần của tập thể để mất đi phần thích thú, bổ ích, tao nhã.

          – Lửa trại phải diễn ra vào ban đêm, không phải vào lúc còn sáng và cũng không bắt đầu còn tranh tối tranh sáng. Lửa trại là chỗ sáng nhất của đêm tối, qui tụ mọi nhãn quang của những người ngồi chung quanh bởi tối trời, bởi giá lạnh, bởi nỗi hãi sợ hay tình thân ái.

          – Lửa trại phải là công việc chung cuối cùng trong ngày hoạt động và cũng là công việc cá nhân cuối cùng. Tham gia lửa trại chính là lúc mỗi người nghỉ ngơi, di dưỡng tinh thần, bù lại mọi cố gắng trong ngày làm việc đầy đủ, sinh động, đây cũng là lúc tĩnh tâm tưởng niệm, lúc tâm tình cởi mở.

          – Có thể dùng những phút cuối cùng của đám than hồng trong đêm tối để làm lễ tĩnh tâm cho một vài trại sinh sau lễ lửa tàn.

NGUYÊN TẮC THỰC HÀNH
          – Chuẩn bị địa điểm đốt lửa trại thật chu đáo; lối đến vòng lửa, lối ra về, củi lửa, chỗ ngồi, chương trình… Hãy kiểm tra chặt chẽ, có phương án dự trù cũng như cần tập

dợt, tổng duyệt một số các tiết mục quan trọng trong đêm lửa trại

          – Luôn luôn tìm tòi sáng tạo những cái mới nhằm giúp cho người tham gia cảm thấy háo hức trông chờ những điều mới lạ và vì vậy họ sẽ nhập cuộc một cách sôi nổi hào hứng.
          – Hòa hợp nhịp điệu toàn cuộc với sức lửa cháy. Bắt đầu với sự im lặng triệt để, rồi cường độ của các hoạt động tăng dần cùng sức lửa cháy và nhiệt lượng của lửa. Lên đến độ cao nhất bắt đầu giảm dần hoạt động ăn khớp với sức lửa tàn. Gần cuối không còn những kịch hùng khí, những trường hùng ca, những tiếng reo hò náo động mà phải là những gì thúc giục gợi trầm suy tưởng.

          – Trong đêm lửa trại, những gì lôi cuốn nên để vào lúc khởi đầu, những gì nhộn nhịp huy hoàng vào giữa cuộc và những gì mang lại cảm xúc sâu lắng vào lúc lửa gần tàn.
          – Những hoạt động trong đêm lửa trại cần hướng đến những giá trị chân thiện mĩ, vui vẻ, hứng khởi về tinh thần.

          – Trong sinh hoạt lửa trại nên nói đến điều tốt, cái đẹp; nêu lên những gương sáng, có ích lợi về giáo dục hơn là nêu những gương xấu, tính xấu. Tránh những loại âm nhạc hoặc trò chơi không phù hợp.

          – Giữ bí mật chương trình cả về nội dung và hình thức để gây ấn tượng cho người người tham gia. Không ai có thể đoán biết lễ khai mạc sẽ là hình thức nào, lửa sẽ được châm theo kiểu nào, các đội sẽ trình bày những tiết mục nào, tiếng reo gì..

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *